Hành trình đưa võ cổ truyền Việt Nam ra thế giới (Bài 2): Phải chung sức đồng lòng

VHO- Theo dòng chảy của lịch sử dân tộc, từ hàng ngàn năm nay, Võ cổ truyền vẫn chứng tỏ sức sống mạnh mẽ, với phong trào phát triển rộng khắp trên cả nước. Tuy nhiên để Võ cổ truyền phát triển xứng với tiềm năng và lan toả rộng rãi ra thế giới, để có thể trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, trở thành môn thi đấu của SEA Games, chúng ta cần tiến hành tổng thể nhiều giải pháp.

Hành trình đưa võ cổ truyền Việt Nam ra thế giới (Bài 2): Phải chung sức đồng lòng - Anh 1

 Đoàn Tinh võ đạo Nga biểu diễn Võ cổ truyền Việt Nam giới thiệu về môn phái mình để giới thiệu với bạn bè quốc tế

 Bảo tồn hồn cốt văn hóa dân tộc

TS Vũ Diệu Trung, Giám đốc Trung tâm tư liệu (Viện Văn hóa, Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Bộ VHTTDL) nhìn nhận: “Võ cổ truyền có thể coi là nguồn tài nguyên, tài sản của cộng đồng, vừa góp phần làm giàu bản sắc dân tộc vừa đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới. Trong bối cảnh đương đại, võ cổ truyền Việt Nam vẫn có vai trò, chức năng không nhỏ trong đời sống xã hội, nhưng cũng không tránh khỏi sự mai một, thất truyền. Để bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình di sản văn hóa này, cần sự chung sức đồng lòng của võ sư, của cộng đồng những người yêu võ thuật truyền thống và của toàn xã hội”.

Giải pháp mà TS Vũ Diệu Trung đưa ra là cần xây dựng một chương trình định kỳ hằng năm, nhằm tuyên dương những người tham gia tích cực vào công tác bảo tồn và phát huy võ cổ truyền và coi đây là một những tiêu chí xét tấm gương điển hình, tiêu biểu của địa phương. Cùng với đó, cần nghiên cứu bài bản, chuyên sâu các bài võ cổ truyền một cách dễ học, dễ hiểu để truyền thụ trong cộng đồng và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác đưa võ cổ truyền vào trường học, tạo thành phong trào rộng khắp trong toàn xã hội.

Cùng quan điểm đưa võ cổ truyền vào trường học cũng là một cách bảo tồn, TS Nguyễn Thị Phương Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) chia sẻ, trong chuyến công tác tại Hàn Quốc, bà đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy màn đồng diễn võ thuật đẹp mắt ở sân trường phổ thông. Từ đó bà đã tìm hiểu cách đưa võ dân tộc vào trong trường học ở Hàn Quốc và đề ra các giải pháp đưa võ cổ truyền Việt Nam vào trường học.

“Trước tiên chúng ta phải có giáo trình đồng bộ, phù hợp với các đối tượng học sinh, sinh viên” TS Nguyễn Thị Phương Loan chỉ ra và cho hay, kinh nghiệm ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, loại hình nghệ thuật truyền thống cho thấy để có đội ngũ thầy cô giáo có đủ trình độ giảng dạy thì cần phải có một quá trình đào tạo, không thể một sớm, một chiều. Với việc phát triển võ cổ truyền cũng vậy, rất cần đến đội ngũ các võ sư có trình độ chuyên môn, tâm huyết, trách nhiệm. Muốn xây dựng được đội ngũ này thì các địa phương cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi để đội ngũ được xem là “hạt nhân” trong việc gây dựng phong trào võ cổ truyền này có điều kiện phát triển.

Ở một góc nhìn khác về bảo tồn và phát huy giá trị di sản võ cổ truyền Việt Nam, ông Bùi Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở VHTT Bình Định nêu quan điểm, đầu tiên vẫn là công tác tuyên truyền, bởi giờ đây việc học võ cổ truyền không còn hấp dẫn giới trẻ nữa và thay vào đó là các môn giải trí hiện đại đang lấn át. Làm cách nào đó, chúng ta phải tuyên truyền hiệu quả cho giới trẻ hiểu rõ hơn về giá trị võ cổ truyền Việt Nam, không phải đơn thuần là một môn thể thao mà đây chính là một giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc - hồn cốt của dân tộc. Từ nhận thức đó, để giới trẻ tham gia tập luyện. “Xây dựng phong trào tập võ như phong trào thể thao quần chúng, phát triển rộng khắp trong cộng đồng như: Nhà nhà tập võ, người người học võ và làng làng học võ”, ông Bùi Trung Hiếu hiến kế.

Hành trình đưa võ cổ truyền Việt Nam ra thế giới (Bài 2): Phải chung sức đồng lòng - Anh 2

 Đoàn Văn Lang Võ Đạo (Maroc) biểu diễn giới thiệu Võ cổ truyền Việt Nam đến với đông đảo công chúng trên toàn thế giới

Đệ trình là di sản văn hóa nhân loại

Tính đến năm 2022, võ cổ truyền Việt Nam đã được phát triển ở hơn 50 quốc gia và quảng bá tại hơn 70 nước trên thế giới. Ở trong nước, Võ cổ truyền phát triển ở 58 tỉnh, thành, trong đó có trên 43 tổ chức Hội, Liên đoàn cấp tỉnh/thành, Bộ, ngành với trên 60 chi hội trực thuộc; có hơn 700 võ đường, câu lạc bộ với trên 100 môn phái, võ phái, thu hút khoảng 80.000 võ sinh tham gia tập luyện, có khoảng 600 võ sư, 600 trợ giáo trung cấp, 1.100 hướng dẫn viên. Võ cổ truyền cũng đã thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài nước tham gia tập luyện, nhất là thanh thiếu nhi, học sinh và cán bộ chiến sĩ ngành Công an, Quân đội.

Theo PGS.TS Lê Thanh Bình, Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, muốn quảng bá Võ cổ truyền Việt Nam ra thế giới thì cần kiện toàn, chuẩn hóa võ cổ truyền và quảng bá bài bản, hấp dẫn hiệu quả Võ cổ truyền Việt Nam từ góc nhìn truyền thông đối ngoại. Cùng với nhiều công việc quan trọng cần triển khai, chúng ta nên ưu tiên kiện toàn Võ cổ truyền Việt Nam và chú trọng xây dựng, quảng bá thương hiệu Võ cổ truyền Việt Nam. Việc này cần phải được tiến hành bài bản, lâu dài, sử dụng các chiến lược hấp dẫn, chuyên nghiệp, triển khai việc tạo dựng hình ảnh, danh tiếng võ cổ truyền nước ta, cả về võ đạo, võ thuật, võ lý để vừa thể hiện được bản sắc văn hóa Việt Nam, lại mang tính cạnh tranh hấp dẫn trên trường quốc tế. Từ đó, quảng bá cho tinh hoa của Võ cổ truyền Việt Nam cũng như những nét văn hóa độc đáo của Việt Nam ra thế giới.

PGS.TS Lê Thanh Bình nhấn mạnh, võ cổ truyền Việt Nam là một trong những di sản văn hóa cần lưu truyền lâu dài của dân tộc, Đảng ta chủ trương: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Ngày nay, hoạt động ngoại giao văn hóa được coi là “sức mạnh mềm” của quốc gia, với nhiều thủ pháp chủ yếu mang tính văn hóa, trong đó có việc dùng các môn thể thao như võ thuật, bóng bàn, bóng đá… Bởi thế, võ cổ truyền Việt Nam có thể góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam đẹp đẽ, tín nghĩa, thượng võ ra với bạn bè quốc tế.

Ông Phạm Đình Phong, Viện Nghiên cứu, Phát triển và Quảng bá võ học Việt Nam đề nghị công nhận Võ cổ truyền dân tộc là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”; đồng thời lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại”. Ngoài ra, ông cũng đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm và có kế hoạch phổ biến, vận động để đưa Võ cổ truyền Việt Nam vào chương trình thi đấu của SEA Games, như cách mà các quốc gia như Indonesia đưa môn Pencak Silat, Philippines đưa môn Võ gậy, Campuchia đưa môn Kun Bokator… Đề nghị Cục TDTT xây dựng đề án trình các cấp cho phép Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam hình thành các đội tuyển võ dân tộc, cấp kinh phí tập luyện quanh năm tương tự như các đội tuyển võ ngoại như Taewondo, Karatedo, Pencak Silat… để vừa nâng cao trình độ đỉnh cao, vừa làm nhiệm vụ thi đấu quốc tế…

Ngoài ra còn cần có các giải pháp căn cơ mang tầm chiến lược lâu dài, bền vững, nhất là đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các nhà thi đấu, trung tâm nghiên cứu, đào tạo, bảo tồn, truyền bá Võ cổ truyền mang tầm quốc gia và quốc tế. 

 Cùng với nhiều công việc quan trọng cần triển khai, chúng ta nên ưu tiên kiện toàn Võ cổ truyền Việt Nam và chú trọng xây dựng, quảng bá thương hiệu Võ cổ truyền Việt Nam. Việc này cần phải được tiến hành bài bản, lâu dài, sử dụng các chiến lược hấp dẫn, chuyên nghiệp, triển khai việc tạo dựng hình ảnh, danh tiếng võ cổ truyền nước ta, cả về võ đạo, võ thuật, võ lý để vừa thể hiện được bản sắc văn hóa Việt Nam, lại mang tính cạnh tranh hấp dẫn trên trường quốc tế. Từ đó, quảng bá cho tinh hoa của Võ cổ truyền Việt Nam cũng như những nét văn hóa độc đáo của Việt Nam ra thế giới.

(PGS.TS LÊ THANH BÌNH, Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam)

THU SÂM - PHAN HIẾU

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc